Giao tiếp hiệu quả - bí quyết và kinh nghiệm

Giao tiếp hiệu quả - bí quyết và kinh nghiệm được lấy ra từ kinh nghiệm đời sống, kinh nghiệm trong giao tiếp phù hợp với nhiều môi trường khác nhau. Bạn đã bao giờ tự đặt ra câu hỏi mình có tự tin khi gặp đối tác lớn? Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời được câu hỏi đó.
Không yêu cầu những kỹ thuật cao siêu, giao tiếp đôi thực ra chỉ cần những kỹ năng để nói chuyện và giữ cho mối quan hệ diễn ra êm đẹp. Nắm rõ một số khía cạnh quan trọng sau đây của kỹ năng giao tiếp, bạn sẽ giúp mối quan hệ của mình thêm bền vững, khăng khít:
Kỹ năng giao tiếp
Nói ra suy nghĩ của bản thân về mối quan hệ với đối tác

Nếu bạn không nói cho người khác biết bạn đang nghĩ gì thì làm sao họ biết được tâm trạng của bạn để có cách thức trò chuyện phù hợp? Hãy nhớ rằng, dù thân thiết, thấu hiểu nhau đến đâu, một mối quan hệ chỉ thực sự bền vững khi bạn và người ấy có thể trao đổi thẳng thắn, chân thành với nhau những khúc mắc mà hai bên đang gặp phải. Nếu bạn đang giận họ, đừng ngần ngại nói ra. Sự thẳng thắn có thể làm mất lòng nhau trong chốc lát, nhưng là nền móng vững chắc cho một mối quan hệ bền lâu.

Đối thoại nhiều hơn để hiểu rõ nhau hơn

Nếu hai người gặp nhau chỉ để nói chuyện phiếm trên trời, dưới biển thì đó chưa phải là mối quan hệ bạn bè thực sự. Bạn cần chia sẻ sâu hơn quan điểm, suy nghĩ, cuộc sống của mình với người mà bạn muốn gắn bó (người yêu, bạn thân…) Đối thoại là trao đổi sâu sắc về một vấn đề nào đó, và khi đối thoại càng nhiều, sự thấu hiểu càng mở rộng và mối quan hệ càng thêm khăng khít. Đồng thời, đối thoại nhiều cũng giúp bạn nhận ra những ai không hợp với mình để có sự xác định rõ ràng về mức độ thân thiết.

Đừng úp mở

Không ít người có thói quen “úp mở” một điều gì đó khiến đối phương tò mò, muốn biết. Nhưng điều này bao giờ cũng có tính hai mặt của nó. Sự úp mở của bạn đôi khi khiến đối phương bực bội, cáu bẳn từ đó làm cho mối quan hệ trở nên xấu đi. Luận điệu “em có điều này muốn nói với anh…mà thôi, chắc là không cần thiết” và sau đó im bặt của các cô gái rất dễ cho đối tác “nổi điên” vì không hiểu ý định thực của những câu nói này là gì.

Lắng nghe chân thành

Chỉ khi bạn lắng nghe ai đó một cách chân thành và ngược lại, mối quan hệ của bạn mới có giá trị bền vững, có chiều sâu được. Hãy luôn tỏ thái độ lắng nghe khi được chia sẻ, hoặc nếu bạn cảm thấy quá chán nản vì phải nghe, hãy khéo léo cho người kia biết tâm trạng của bạn. Thà tiếp nhận một sự thật phũ phàng hơn là được lắng nghe một cách giả tạo, miễn cưỡng.

Tôn trọng những điểm khác nhau của hai người

Cãi nhau, bất đồng quan điểm không phải luôn luôn xấu. Đôi khi, sự bất đồng khiến cho mối quan hệ của bạn trở nên thú vị. Không có xung đột, không có bất hòa rất dễ biến thành nhàm chán. Quan trọng là bạn phải biết cách tôn trọng quan điểm của người khác, đồng thời khéo léo giữ lập trường của mình, nếu nó đúng đắn. Ai đúng ai sai đôi khi không quan trọng, quan trọng là bạn biết mối quan hệ này mới thực sự là điều bạn quan tâm.

Không bao giờ xúc phạm, mỉa mai

Đành rằng đây là một điều hiển nhiên trong lý thuyết giao tiếp, nhiều người vẫn không làm được điều là kiềm chế cơn giận và hậu quả là họ làm tổn thương người kia bằng những lời cay độc của mình. Dù sau này, bạn và người đó có làm lành với nhau, thì những lời nói xúc phạm sẽ khó mà đi ra khỏi trí nhớ của người kia. Vì vậy, nên học cách kiềm chế cảm xúc và nói lời xin lỗi khi cần thiết.

Bạn không phải nhút nhát, thế nhưng bạn ngại bắt chuyện với một người lạ đơn giản vì “không biết nói gì”. Hầu hết chúng ta cảm thấy khó chịu khi tham dự một cuộc hội thoại mà chỉ sau vài câu hỏi thăm ban đầu, cả hai đã không còn gì để nói nữa. Vài quy tắc sau sẽ giúp bạn duy trì cuộc trò chuyện một cách hứng thú:
Tự tin trò truyện với đối tác
1. Nắm bắt thông tin từ câu trả lời

Hãy cố gắng đào sâu những câu trả lời của họ bằng các câu hỏi sâu hơn để thể hiện sự quan tâm của bạn. Ví dụ, hỏi “quê bạn có đặc sản gì? Tên bạn đặc biệt quá, nó có ý nghĩa gì không vậy? Hồi cấp 3 bạn học trường nào?… Chú ý, chỉ hỏi những thông tin sơ bộ về bản thân họ, đừng hỏi các thông tin liên quan đến chuyện tình cảm cá nhân, thu nhập,… Ở các nước phương Tây, đây là những đề tài tế nhị mà không ai muốn đề cập đến với một người lạ. Ở Việt Nam, sự cấm kỵ này không rõ nét, nhưng trong xu thế hiện nay thì bạn có thể tin rằng rất nhiều người cảm thấy bị làm phiền khi bạn hỏi về cuộc sống riêng tư của họ.

2. Nắm bắt thông tin từ trang phục, hành vi của người đối diện

Nếu tinh ý, chỉ từ việc quan sát hành vi của người đối diện, bạn có thể thu nhận được một vài thông tin hữu ích về bản thân người đó. Ví dụ như đồng phục trường học, cơ quan tiết lộ nơi công tác của họ, cách trang điểm, ăn mặc tiết lộ tính cách,… Một trong những điều chúng ta hay để ý là nhìn xem họ có đeo nhẫn cưới hay không – việc biết một người đã kết hôn hay chưa quyết định rất nhiều hướng trò chuyện của bạn.

3. Quan tâm đến lời họ nói và sẵn sàng chia sẻ

Hãy thủ sẵn trong túi những câu hỏi mà bạn cho là thú vị, có thể hỏi được cho nhiều đối tượng. Dĩ nhiên là những câu hỏi vô thưởng vô phạt, không đòi hỏi sự hiểu biết chuyên sâu hay sự vắt óc suy nghĩ của người đối diện. Căn cứ vào bối cảnh trò chuyện mà bạn có thể đưa ra những câu hỏi này cho phù hợp. Ví dụ, đang đứng ở bãi biển, bạn có thể lấy biển làm đề tài trò chuyện như “biển này đẹp nhỉ, đây là lần đầu tiên tôi đi biển – thật ngạc nhiên phải không, bạn có bao giờ nghĩ cuộc sống của mình sẽ kém vui tươi khi không có biển không?…; ở nhà ga, bạn có thể hỏi người kia đi đâu, quê quán, có hay về quê không…

Khi họ trả lời, hãy tỏ thái độ lắng nghe chân thành, thỉnh thoảng hỏi lại những điểm bạn cần biết thêm. Sau đó, để cuộc nói chuyện khỏi rơi vào im lặng, bạn có thể chia sẻ về bản thân bạn. Nếu bạn có khiếu hài hước, hãy là người nói nhiều hơn. Nhưng nếu bạn không tự tin về khả năng ăn nói của mình, bạn có thể tham gia cuộc trò chuyện với tư cách là người hỏi và người nghe. Dần dần, khi tự tin hơn, bạn sẽ nói nhiều hơn đấy.

4. Kết thúc cuộc trò chuyện một cách nhã nhặn

Nếu thấy người kia có thái độ nhấp nhổm, nhìn đồng hồ hay nhìn ra xung quanh, chắc chắn họ đang đợi ai đó hay có việc quan trọng nào đó. Hãy lịch sự kết thúc cuộc trò chuyện trước “hình như bạn đang bận phải không, bạn có hẹn à/bạn có việc bây giờ à… Nếu bạn muốn gặp lại người đó lần nữa, hai người có thể trao đổi số điện thoại cho nhau, hoặc đơn giản là nick chat yahoo chẳng hạn. Còn nếu đó chỉ là nói chuyện xã giao, bạn cũng nên chào một cách hóm hỉnh “nếu có duyên thì gặp lại nhé”…

Nên nhớ rằng, lịch sự không mất gì cả và đừng cho rằng trò chuyện với ai đó là mất thời gian của cả hai bên. Đây là một cách rất hiệu quả để rèn luyện ký năng giao tiếp của bạn. Và biết đâu bạn sẽ tìm được một người bạn thú vị, dễ thương nào đó qua cuộc trò chuyện này? Vậy nên, hãy làm quen và duy trì cuộc trò chuyện một cách chân thành, thân thiện nhé. Chắc hẳn sẽ có nhiều sự thật bất ngờ đang chờ đón bạn qua những cuộc trò chuyện như thế
--------------------------------------------------------
Nguồn: Kỹ năng giao tiếp.


Chuyên mục: ,

0 nhận xét:

Đăng một bình luận