Những lí do thất nghiệp “ngớ ngẩn” vì Facebook |
- Bị đuổi việc vì miệt thị khách hàng trên Facebook
Vào năm 2010, một nhân viên có tên Ashley Johnson của nhà hàng Pizza Bix (thuộc Charlotte, bang California, Mỹ) đã bị sa thải vì than phiền và có thái độ miệt thị khách hàng trên trang Facebook cá nhân.
Johnson đã viết trên Facebook rằng cô rất bực bội vì phải ở lại quá ca làm việc 1 giờ đồng hồ chỉ để đợi hai người khách ăn xong phần ăn của mình. Cô cảm thấy bị coi thường hơn khi cặp đôi đó chỉ cho cô 5 USD tiền tip. Trong lúc tức giận, cô gọi 2 người khách đó là "rẻ tiền”.
Vài ngày sau, Ashley Johnson nhận được quyết định thôi việc từ phía nhà hàng với lí do đã xúc phạm khách hàng trên Facebook. Dù chấp nhận thôi việc nhưng Johnson vẫn bức xúc vì lí do vớ vẩn đó. Quyết định của ban quản lí nhà hàng cũng không được sự đông tình của dư luận.
- Bị gạt khỏi ban hội thẩm vì đăng thông tin vụ án lên Facebook
Vào tháng 11/2008, một thành viên trong bồi thẩm đoàn tại Lancshire, nước Anh đã bị gạt ra khỏi ban hội thẩm khi đã đăng tải thông tin vụ án đang thụ lí lên mạng xã hội. Cô đã đăng các thông tin chi tiết về vụ án bắt cóc trẻ em và vụ tấn công tình dục lên Facebook, sau đó mời bạn bè đóng góp ý kiến.
Do không sử dụng bất kì một cài đặt bảo mật nào cho trang cá nhân của mình nên ai cũng có thể đọc được bài viết của cô. Cô bị sa thải khỏi tòa án Burnley Crown, thuộc Lancshire ngay sau khi một quan chức toàn án nhận được thông tin nặc danh than phiền về vấn đề này. Theo hiến pháp của Vương quốc Anh, vì lợi ích và tính công bằng trong xét xử, tất cả các hội thẩm viên bị nghiêm cấm thảo luận và tiết lộ chi tiết vụ án với bất kì ai, ngay cả những người gần gũi nhất.
- Thất nghiệp vì vào Facebook khi đang nghỉ ốm
Năm 2009, một nữ nhân viên 31 tuổi làm việc tại công ty bảo hiểm Nationale Suisse (Thụy Sỹ) đã bị sa thải vì lí do sử dụng Facebook trong thời gian nghỉ ốm. Trong đơn xin nghỉ, nữ nhân viên này đã phàn nàn về chứng đau nửa đầu của mình, cho rằng hiện tại không thể làm việc được trước màn hình máy tính và xin được nghỉ ngơi ở nhà.
Tuy nhiên, ngay hôm đó, các nhà quản lí của cô lại thấy cô online Facebook. Nữ nhân viên biện hộ rằng mình đã dùng iPhone (chứ không phải máy tính) để đăng nhập Facebook tại nhà. Tuy nhiên, đại diện công ty Nationale Suisse tuyên bố là vụ việc “đã phá hủy niềm tin vào nhân viên” và buộc cô phải thôi việc.
- Bị đuổi việc vì nói xấu hãng hàng không trên Facebook
Năm 2008, hãng hàng không Virgin Atlantic đã sa thải 13 tiếp viên hàng không khi những người này công khai thảo luận các vấn đề liên quan đến công việc trên Facebook. Công ty của tỉ phú “chịu chơi” Richard Branson cho rằng, các nữ nhân viên này đã khiến “công ty bị mang tiếng xấu” khi cười cợt những sự cố động cơ và chê bai hàng khách là “chavs” (ám chỉ những người người thuộc tầng lớp thấp và có hành vi thô lỗ). Một phát ngôn viên của hãng cho biết, công ty không cấm các nhân viên sử dụng Facebook. Tuy nhiên, công ty không cho phép họ sử dụng Facebook để chỉ trích khách hàng của hãng – những người trực tiếp mang lại doanh thu cho công ty.
- Giáo viên bị đuổi việc vì nói xấu nhà trường trên Facebook
Năm 2008, một giáo viên tại trường tiểu học Thomasboro, thuộc Charlotte, Bắc California đã bị đuổi việc sau khi đã đăng tải thông tin xúc phạm đến nhà trường và học sinh của trường trên Facebook.
Theo ban quản lí trường tiểu học Thomasboro, giáo viên này đã có hành vi phân biệt chủng tộc khi đã cung cấp thông tin “Tôi đang giảng dạy ở một trường ổ chuột nhất Charlotte” trong profile cá nhân “About me” trên Facebook. Được biết, học sinh tại trường tiểu học Thomasboro hầu hết là con em dân tộc thiểu số và con em của những gia đình có thu nhập thấp.
- Bị cắt bảo hiểm vì Facebook
Vào năm 2009, một phụ nữ 29 tuổi người Cannada tên là Nathalie Blanchard đã bị cắt quyền bảo hiểm từ công ty bảo hiểm Manulife sau khi cô đăng một số hình ảnh của mình lên Facebook.
Nathalie Blanchard đã nghỉ việc tại công ty IBM ở Bromont, Quebec vào năm 2008 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh trầm cảm nặng. Kể từ đó, mỗi tháng cô nhận được tiền bảo hiểm từ hãng bảo hiểm Manulife. Tuy nhiên, vào tháng 11 năm 2009, sau khi hãng bảo hiểm phát hiện ra được một số hình ảnh của Nathalie, bao gồm ảnh đi bar, ảnh sinh nhật, ảnh du lịch ở một số nơi, họ đã chấm dứt quyền lợi của cô với lí do “cô ấy đã khỏe mạnh bình thường và có thể làm việc được … từ Facebook”.
Theo: Khampha
Chuyên mục: tin-cong-nghe
0 nhận xét:
Đăng một bình luận