Đà Nẵng là địa phương phát triển công nghệ thông tin muộn hơn so với TP Hồ Chí Minh và Hà Nội. Tuy nhiên, chính sự phát triển muộn này, Đà Nẵng đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ những đàn anh đi trước và đã đạt được những thành công nhất định trong lĩnh vực thông tin và truyền thông nhờ kiên trì đầu tư đồng đều cho 4 yếu tố là: chính sách, hạ tầng, nhân lực và thị trường. Đây là nền tảng để Đà Nẵng đặt mục tiêu cho mình là trở thành một trung tâm công nghệ thông tin của cả nước vào năm 2020.
Cách đây 10 năm, Đà Nẵng chưa có tên trên bản đồ xuất khẩu phần mềm và ngành công nghệ thông tin chưa có đến 1000 người, đến nay, với doanh số xuất khẩu đạt 25 triệu USD/năm, Đà Nẵng đang đứng thứ 3 trên cả nước về xuất khẩu phần mềm. Nguồn nhân lực vừa đào tạo vừa thu hút về đã đạt đến con số 6000 người. Đây là kết quả của một sự đón đầu và dự báo được xu thế phát triển của các nhà quản lí mà trọng tâm là những chính sách vĩ mô để tạo hành lang pháp lí cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này phát triển.
Ông Phạm Kim Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng cho biết: “Cách đây 14 năm, khi Đà Nẵng chưa làm một phần mềm nào, Đà Nẵng đã có chiến lược phát triển CNTT. Cách đây 11 năm, Đà Nẵng đã có chính sách toàn diện về CNTT. Cách đây 5 năm, Đà Nẵng có chiến lược dài hạn về công nghệ thông tin”.
Chính sách đi trước mở đường, hàng loạt các doanh nghiệp phần mềm chọn Đà Nẵng để đầu tư và phát triển, trong đó phải kể đến công ty phần mềm của FPT. Với 1.300 kĩ sư chuyên viết phần mềm, công ty này đang chiếm đến 85% doanh số xuất khẩu phần mềm của cả Đà Nẵng và có đóng góp lớn trong việc hình thành hệ thống chính quyền điện tử thời gian qua.
Khách hàng Nhật, vốn khắt khe và khó tính nhưng rất tiềm năng, đang có xu hướng đưa vốn đầu tư và các đơn hàng về Đà Nẵng.
Ông Kato Daisei, công ty Gulliver International Co., Ltd nói: “Sau một năm làm việc với các đối tác ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, chúng tôi đã quyết định chọn Đà Nẵng để đặt văn phòng và tăng số lượng nhân viên ở đây lên gấp 4 lần bởi chúng tôi đánh giá cao Đà Nẵng về ví trí tự nhiên, môi trường và con người làm việc”.
Không chỉ là một chính quyền điện tử phục vụ bộ máy chính quyền, Đà Nẵng còn mong muốn hình thành những khu đô thị công nghệ thông tin kiểu mẫu để có thể ứng dụng trong cuộc sống dân sinh với những phần mềm quản lí tiên tiến mà chính con người Đà Nẵng đã làm ra và xuất khẩu.
Ông Bùi Thiện Cảnh, Tổng giám đốc FPT City cho biết: “Chúng tôi mong muốn đem những công nghệ thông minh đến cộng đồng, ví dụ như các phần mềm quản lí dân cư, tiêu thụ điện năng, giao thông, an toàn”.
Để biến ý tưởng một “thành phố công nghệ” thành hiện thực, Đà Nẵng còn một chặng đường phía trước nhưng những nền tảng về công nghệ thông tin mà Đà Nẵng đang hình thành và đạt được cho thấy tính khả thi của nó trong một tương lai không xa.
Theo Vtv.
Chuyên mục: tin-cong-nghe
0 nhận xét:
Đăng một bình luận